Series tập viết: Cách tạo cảm hứng
Cho dù bạn là người vô cùng thích viết hay bạn là người viết chuyên nghiệp thì vẫn có rất nhiều lúc … không có cảm hứng để viết. Ngay khi tôi đang viết bài này, tôi cũng phải mở file ra rồi đóng lại nhiều lần trước khi hoàn thành bài viết. Cảm hứng là một chủ đề rất hay nhưng cũng rất khó đóng thành khuôn để mọi người thực hành theo. Bởi mỗi người lại có cách “triệu hồi” cảm hứng theo cách của riêng mình. Dưới đây là 7 cách của riêng tôi, giúp tôi tạo dựng cảm hứng trong viết lách.
#1: Sự thoải mái, vùng thoải mái
Những tác phẩm xuất sắc thường xuất phát từ những điều đơn giản. Tác giả thấy thoải mái với công việc của mình. Thấy thích thú mỗi khi viết. Có rất nhiều ý tưởng để viết. Sự thoải mái đến từ trong tâm trí chúng ta. Khi chúng ta có ít điều vướng bận ngoài kia. Không bồn chồn vì không biết cửa nhà có khóa chưa. Có đem theo tiền không. Tối nay ăn gì. Chuyện cãi nhau với ông người yêu thì làm hòa như thế nào. Càng ít nghĩ đến những vấn đề vụn vặt, sự thoải mái của bạn càng tăng.
Ngoài tạo sự thoải mái trong tâm trí, bạn còn phải tạo sự thoải mái vật lý cho chính mình. Đó là nơi bạn ngồi viết. Ghế có êm không. Bàn có đủ độ cao không. Âm thanh xung quanh có quá ồn không. Ánh sáng tự nhiên có đủ không. Xung quanh có không khí trong lành không. Có ai làm phiền bạn không. Khi viết mà chốc chốc phải đổi kiểu ngồi vì ghế khó chịu quá. Rồi xíu xíu cứ phải trả lời người này người kia. Rồi đứng lên lấy cái này cái nọ. Thì cảm giác thoải mái sẽ dần biến mất.
#2: Sự tập trung
Nếu bạn đã từng đọc quyển Sức mạnh của sự tập trung (Jack Canfield – Mark Victor Hansen – Les Hewitt) thì bạn sẽ hiểu sự thành công nào cũng có nguồn gốc từ sự tập trung. Hầu hết chúng ta ở thời đại hiện nay luôn bị xao nhãng bởi quá nhiều vấn đề cần quan tâm. Ai đó chat với bạn trên mạng xã hội. Ai đó gọi điện cho bạn rủ đi cà phê. Qúa nhiều task công việc cần phải xử lí trong cùng một ngày và có quá nhiều tờ báo bạn muốn đọc hàng ngày, hàng giờ. Chúng ta cướp đi thời gian của chính chúng ta, và đồng thời cướp đi thời gian của công ty thuê chúng ta, chỉ để không làm gì cả hoặc làm mọi việc trở nên lê thê, ít giá trị hơn. Thực chất, chúng ta có ai dành đủ 8 tiếng 1 ngày cho công việc đâu. Nếu một vài nước đang lên tiếng giảm giờ làm xuống còn 6 thì bạn hãy tranh thủ tập trung làm việc 6 tiếng mà chất lượng như 8 tiếng. Thời gian còn lại, bạn sẽ có thể sống và trải nghiệm nhiều hơn.
Muốn viết tốt, cần phải có sự tập trung cao độ. Mỗi người chỉ cần một khoảnh khắc xuất chúng là đã có thể có những tác phẩm để đời. Tập trung trong viết lách càng quan trọng hơn, vì ý nghĩ lướt qua chúng ta rất nhanh. Trước, trong và sau khi viết, chúng ta có những ý tưởng khác nhau, cách diễn đạt khác nhau. Nếu bạn không thực sự tập trung, bạn sẽ bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời mà chỉ cần vài giây sau là bạn đã quên bén đi, vì bạn mãi lo trò chuyện với một người bạn, mà câu chuyện chẳng hề quan trọng.
Sự tập trung là quà tặng không phải ai cũng có nhưng ai cũng có thể rèn luyện. Rèn luyện sự tập trung không chỉ giúp bạn viết tốt hơn mà còn giúp công việc của bạn hiệu quả hơn với thời gian ngắn hơn.
#3: Hiểu rõ động lực / mục tiêu thực sự
Đặt câu hỏi này ở mỗi lúc bạn ngồi xuống viết và khi bạn đang bế tắc, mất cảm hứng. Động lực thực sự của việc này là gì? Đó là mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn? Bạn cần phải làm việc này ngay hay có thể để sau?
Một người làm việc với một động lực bất di bất dịch luôn chiến thắng người làm việc không rõ mục tiêu. Có một khảo sát dành cho một vận động viên bơi lội. Lần đầu tiên, chị ấy bơi ở biển, dù chị còn rất nhiều sức nhưng lại vẫy gọi cứu hộ. Lần thứ hai, chị ấy bơi qua một eo biển, mặc dù gần hết sức nhưng chị ấy lại cố gắng bơi đến khi chạm tay vào bãi cát. Khi người ta đo đạc quãng đường thì thấy 2 quãng đường bơi không chênh lệch nhau là mấy nhưng tại sao chị ấy lại bỏ cuộc ở thử thách đầu tiên? Chị ấy trả lời rằng “Vì ở giữa biển nước mênh mông, tôi không nhìn thấy mục tiêu của mình ở đâu cả. Ở lần thứ hai, mặc dù khoảng cách khá xa nhưng tôi biết tôi phải bơi đi đâu và khoảng bao lâu thì tôi đạt được mục tiêu đó.”
Khi bạn có động lực, có mục tiêu, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn. Nhờ đó mà việc lấy lại cảm hứng cũng nhanh chóng hơn.
#4: Luyện tập
Cảm hứng thì rất khó nói. Nhiều người đánh giá thấp những người làm việc theo cảm hứng, vì những người đó chờ cảm hứng tới mới làm, rất tùy tiện, lung tung. Nhưng cũng có người chỉ thích làm việc theo cảm hứng, vì có cảm hứng thì làm mới tốt, mới trọn vẹn. Tư tưởng này đúng sai không bàn cãi, vì mỗi người có lựa chọn riêng của mình. Ở bài này, tôi muốn các bạn tự tin rằng, chúng ta có thể đi “vợt” cảm hứng về dù lúc đó bạn không hề có chút ý định viết nào cả. Sự luyện tập giúp chúng ta mạnh mẽ hơn và làm việc hăng hái hơn. Từ năng lượng, mục tiêu, sự thoải mái và sự hào hứng trong mỗi chủ đề chúng ta viết, sẽ tạo nên nguồn cảm hứng trong lành, dồi dào cho chính chúng ta.
Hãy gò mình mỗi ngày, không phải vào một chiếc lồng để viết không hồn. Mà hãy tự mình tìm cho mình những cảm xúc mới mẻ, thân quen theo cách mới mẻ, để những giọt cảm xúc soi rọi tâm hồn mình, tưới lên cái cây già nua của tâm hồn mình. Nhìn đời như một đứa trẻ. Mọi thứ luôn mới mẻ. Lúc đó, cảm hứng của bạn sẽ dẫn bạn đến những thành tựu tuyệt vời mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến.
#5: Kiểm soát cảm xúc tiêu cực
Nhưng, có những ngày, bạn quá ủ dột, bạn quá tổn thương, thì làm sao tạo được cảm hứng? Cảm xúc không thể giả tạo được. Nhưng có thể vượt qua được. Khi bạn đã luyện tập và có đủ các điều kiện, bạn có thể viết xuyên qua nỗi đau của mình. Vì những mục tiêu cao lớn hơn. Vì bạn tách bạch được vấn đề của cảm xúc và vấn đề của lí trí. Bạn mới có thể tiến xa hơn.
Viết cũng là một cách rất hay, ghi chép lại góc nhìn của mỗi người dưới mỗi vấn đề. Cung cấp kiến thức, kinh nghiệm. Khắc họa những nét cá nhân độc đáo của từng ngòi bút. Viết còn giúp bạn kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Bạn sẽ ít khi cảm thấy nóng giận, khó chịu. Ít thấy tổn thương. Bởi vì bạn đã rất kiên nhẫn, cần cù dưới mỗi dòng ý tưởng. Bạn ít sân si hơn. Bạn vui vẻ hơn, dù niềm vui được mang đến từ những việc vô cùng nhỏ nhặt, đôi khi là vô hình. Cảm xúc của người viết dồi dào. Ấm áp, vui tươi và hào hứng. Không có chỗ cho sự ganh tị, ghen ghét. Có nhiều trắc ẩn hơn, nhưng đúng đắn hơn. Viết càng nhiều tức là trải nghiệm càng nhiều. Đôi mắt bạn sẽ nhìn khác đi và dòng chữ của bạn cũng điềm tĩnh hơn, thật hơn, lắng lọc hơn.
Đôi khi tìm cảm hứng chỉ đơn giản là kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Không phải viết vì deadline đang tới, viết vì khách hàng đang réo hay viết vì thể hiện.
#6: Năng lượng
Đừng cố gắng viết khi bạn đang đói bụng, buồn ngủ hay đau đầu. Hãy viết khi bạn đang giàu năng lượng nhất. Khi đó bạn mới có thể viết tốt nhất. Khi bạn quá ủ rũ, câu chuyện của bạn cũng tệ đi, câu văn cũng chán hơn và dẫn dắt cũng nhạt hơn. Khi bạn buồn, văn của bạn sẽ buồn. Khi bạn giận, văn của bạn sẽ sát thương. Khi bạn vui, người đọc cũng sẽ cảm nhận được.
Tôi thường viết vào buổi sáng, sau khi ăn sáng xong hoặc buổi tối, sau khi tắm xong. Lúc đó, tôi cảm thấy thoải mái nhất và giàu năng lượng nhất. Tôi cũng hay viết sau khi thiền xong. Lúc đó tâm trí tôi trong suốt nhất và trí tuệ của tôi đang cao nhất.
#7: Sự cố gắng không có kết quả
Nhưng nếu bạn đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn bế tắc, không viết được dòng nào. Thì hãy tắt máy hoặc đóng sổ lại. Hãy thư giãn rồi quay trở lại. Có nhiều khi, vấn đề chỉ là không đúng thời điểm. Đó không phải là thời điểm thích hợp để viết. Hãy quay lại khi thích hợp. Có rất nhiều chủ đề hay, tôi ngồi xuống viết rồi lại đứng lên. Tôi cố gắng viết vì tôi không muốn mất cảm hứng, nhưng vẫn không viết được. Tôi đã để chủ đề đó trôi đến 2 tháng. Nhưng sau đó, một buổi đẹp trời, tôi chỉ ngồi vào và viết 30 phút là xong. Lúc đó, tôi lại càng tự tin hơn, vì tôi có rất nhiều trải nghiệm mới trong 2 tháng qua và áp dụng vào bài viết.
Trên đây là 7 cách giúp bạn tìm được cảm hứng khi viết. Nếu bạn còn những cách hữu hiệu khác hoặc cách nào hiệu quả với bạn, hãy chia sẻ bên dưới để mọi người cùng học hỏi.