Khi content SEO, content bán hàng và content thương hiệu là một
- Đó là khi google thay đổi thuật toán và chỉ nội dung chất lượng, phù hợp và có ích cho người đọc mới được đánh giá cao.
- Đó là khi thương hiệu được thể hiện chừng mực qua content guideline, art direction, nội dung tuân thủ đầy đủ các yếu tố giúp nhận biết thương hiệu.
- Đó là khi nội dung bán hàng thay doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí nhân sự và quảng cáo gấp bội phần.
Đó là khi doanh nghiệp không còn phân biệt content SEO, content bán hàng hay content thương hiệu, không còn xem tên của loại nội dung mà chỉ còn phân biệt qua mục tiêu: thu hút đúng đối tượng khách hàng, tăng time on site, tăng traffic, tăng tỉ lệ chuyển đổi, thì bạn cũng nên thay đổi cách tiếp cận của mình càng sớm càng tốt.
Với doanh nghiệp vừa mới thành lập hoặc trong 3 năm đầu cần sống sót, chỉ có vốn tự thân, thì nội dung giúp bán được hàng mới là loại nội dung duy nhất content agency cần tư vấn trước tiên.
Bài viết này phân tích các yếu tố của 3 loại content trên trong cùng 1 bài và các hình thức mới có thể áp dụng cho nhiều doanh nghiệp khác nhau. Người đọc bài này đang là content creator hoặc là chủ doanh nghiệp SME. Sau bài viết này, người đọc sẽ phần nào tìm được định dạng mới, để test cho doanh nghiệp của mình.
Câu hỏi được hỏi nhiều nhất khi mình chia sẻ trong các buổi workshop là: có 1 format chuẩn nào cho 1 bài post fanpage hay bài viết trên website không?
Bạn đọc thử trả lời câu hỏi này thay mình nha. Vì trong suốt 6 năm tư vấn và thực thi content marketing cho nhiều doanh nghiệp, mình vẫn không thể tìm ra 1 format chuẩn nào cho bất kỳ loại nội dung nào. Câu trả lời này khá là hụt hẫng với những bạn đang đi tìm tips và trick để thoả mãn yêu cầu từ cấp trên như “content ngàn đơn”.
Thật ra để nói về format chuẩn hay format thu hút thì rất nhiều bên chia sẻ, thậm chí là update hàng tuần, nhưng mình chỉ nên đọc thôi, còn adapt vào lĩnh vực cụ thể, kênh cụ thể, bài viết cụ thể, thì chỉ có mình mới hiểu nhất là có dùng được hay không.
Người ta hay nói về tips mà không nói về gốc rễ. Người đi tìm gốc rễ cũng lại quá ít, người đi tìm sự nhanh chóng thì lại quá nhiều, nên việc tìm đến gốc, hiểu đến chân, cũng bị lờ đi.
Người giúp bạn tìm ra format chuẩn nhất, chỉ có bạn và khách hàng của bạn mà thôi. Nói như vậy khá khó chịu nhỉ? Nhưng là thật vậy. Bài viết này chia sẻ cách để bạn tự đi tìm format chuẩn cho riêng mình nha.
Quy trình tìm ra format phù hợp là: thử, đọc kết quả, phân tích và cải tiến.
Từ khoá là: content marketing flywheel lấy khách hàng làm trọng tâm.
(Mô hình từ Hubspot)
Để nói về mô hình mới này, chắc sẽ viết một bài viết mới, vì nhiều thứ để nói, viết chung vào bài hiện tại e rằng làm loãng ý.
(Mô hình phân tích và kiểm chứng từ Contently)
Nghĩ về khách hàng và viết, sau đó tiếp cận họ ở những nơi có họ, thu thập hành vi của họ và điều chỉnh lại nội dung. Nói không ngoa thì content creator bây giờ còn cần nhiều kỹ năng ngang ngửa marketer. Nếu chỉ viết và cầu nguyện cho người khác tìm thấy bài của mình rồi cũng cầu nguyện cho họ mua hàng, thì bạn cũng nên cầu nguyện cho công việc của bạn vẫn còn giúp bạn sống sót thêm một vài năm, vì bạn sẽ bị thay thế, sớm thôi.
Ở Việt Nam, không được đào tạo bài bản và không được hiểu đúng về ngành, chính là xuất phát điểm của content rác tràn lan và cũng là khởi đầu cho việc bỏ tiền ra nhưng không nhận được kết quả như mong đợi. Nhiều hứa hẹn và nhiều thủ thuật có thể giúp bạn loè được khách hàng trong thời gian đầu, con số có thể sẽ tăng, nhưng không bền vững.
Vậy tóm lại, nội dung ở thời điểm này, cần nhiều chất xám hơn, cần bỏ kinh nghiệm và bỏ sự tò mò tìm hiểu của mình nhiều hơn là phân biệt content đó là loại gì. Nên nhớ, tất cả content đều hướng đến người dùng, hướng đến khách hàng!
Nội dung có thể tiếp cận người dùng mục tiêu bằng nhiều con đường, thường đơn giản và miễn phí nhưng lại không được sử dụng. Dưới đây là 1 số loại content bạn có thể thử ngay với doanh nghiệp của mình, một cách chọn lọc và sáng tạo nhé!
1. Content dài và thường xuyên update
Nội dung dài từ trên 1000 từ. Cấu trúc bài viết chia thành phân mục rõ ràng, có cấu trúc mở, dùng để update sau này.
Có thể update những nội dung gì?
- Nếu bài viết về dự đoán, dự báo, thì update kết quả, các phân tích của các chuyên gia, các bài học của từng dự đoán (nếu đúng và nếu sai), các report về trend đã được dự đoán, brand nào đã thành công với trend đã dự đoán, …
- Nếu bài viết về kiến thức, mở ra phân tích tính hợp thời, trend của nội dung, tính đúng sai (như cách giáo dục, phương pháp thực hành, thuốc chữa bệnh, …), những người đã trải qua nói gì về kiến thức này, …
- Nếu bài viết về mô tả sản phẩm có thể update thêm thông tin về sản phẩm, review, testimonial, những con số trong kinh doanh, các biểu đồ, các video mô tả cách sử dụng sản phẩm hoặc cách sáng tạo / kì quặc / funny để sử dụng sản phẩm theo 1 cách trước giờ chưa từng có, mẫu mã bao bì mới, mẫu logo mới, hướng dẫn sử dụng mới cho các loại bao bì mới, …
Có rất nhiều cách để update nội dung, hiệu đính lại nội dung cũ, sửa chính tả, format, thêm cho rõ nghĩa, thêm những nội dung khác để tăng tính thuyết phục, tăng thêm phần cá tính thương hiệu, …
Theo Neil Patel thì update lại nội dung cũ cũng là cách để Google đánh giá nội dung của bạn tốt hơn. Nhiều bài của anh này thì dài từ 5,000 đến hơn 10,000 từ. Bài viết cấu trúc đa số là bài hướng dẫn, bài 360 độ nên mức độ mở rộng là vô tận. Mỗi update kinh nghiệm và kiến thức đều đưa vào bài cũ và update thêm.
Nội dung dài phải có cấu trúc rõ ràng, nên có menu ở đầu bài, tiện cho sau này update thêm.
Các heading được phân chia có hệ thống, tiện cho người đọc follow. Người đọc trên phone ngày càng nhiều và hành vi lướt của họ sẽ cần bài viết có tính hệ thống nhiều hơn.
Khi bài viết được đưa vào nhiều yếu tố hơn, thì việc giữ chân người đọc là nội hàm của bài viết đó. Bài viết dài nhưng trình bày rối hoặc đọc qua không thấy có ý nghĩa gì thì sẽ bị bỏ qua như chơi. Nếu vậy thì khó lòng lồng ghép thương hiệu hay mục đích của bài vào rồi.
Tham khảo một số cách lồng ghép vào các bài dài để làm hình thức dễ dẫn dắt đến nội dung hơn nha.
Contently lựa chọn load tiếp các nội dung liên quan vào cùng trang mà bạn đang đọc, cách này giúp người đọc tiếp tục đọc mà không cần lựa chọn bài mới hay bấm chuyển trang. Người đọc có thói quen là lướt, và bất ngờ là họ cứ bị cuốn vào nội dung mà họ đang quan tâm, lại không cần lựa chọn. Dù bài viết của Contently khá ngắn, nhưng chính hiệu ứng load endlessly này giúp người đọc ở lại lâu hơn và không bị ngán vì phải đọc 1 nội dung quá dài, họ bị đánh lừa và đọc nhiều bài hơn.
Với Content Marketing Institute thì họ thường chèn nhiều hình minh hoạ là các biểu đồ, report vào trong bài. Song song đó, để highlight quan điểm hay ý tưởng, họ dùng các Twitte của người có ảnh hưởng trong lĩnh vực đó để minh hoạ. Ở Việt Nam thì Twitter không phổ biến, nên bạn cũng có thể thay thế bằng quote của người nổi tiếng, các status trên Facebook của người trong ngành hoặc video của họ nói về vấn đề liên quan.
Với blog của Neil Patel thì ảnh còn làm nhiều thứ hơn nữa. Ví dụ trong bài viết này: https://neilpatel.com/what-is-content-marketing/, ảnh khéo léo cho vào danh mục rất nhiều thứ liên quan, vì ảnh chọn 1 chủ đề quá rộng, cho nên mọi kiến thức update vào chỉ cần liên quan đến content marketing là đều hợp lý. Để tránh nhàm chán thì ngoài những report từ chính những project đang thực hiện thì ảnh còn dùng thêm video sáng tạo từ các bên khác, không ngần ngại đưa thêm link tham khảo từ nhiều nguồn khác, và đưa khá nhiều back-link vào bài viết.
Nếu người đọc ở trong 1 bài viết mà ở đó có tất cả những gì họ tìm kiếm, thì tỉ lệ họ mua hàng ở đó có cao không? Tỉ lệ tin cậy bài viết đó so với các bài viết khác cùng chủ đề có nhiều hơn không? Thật ra mình không thể biết tỉ lệ đó cho tất cả các ngành, sự thật cũng hơi bẽ bàng là có nhiều bên viết cho nhiều vào, người đọc chỉ check giá rẻ hơn là mua, cái này bạn cần phải hiểu nhất về hành vi mua hàng của từng đối tượng, nhiều mặt hàng người ta lại chọn bên nào giá cao hơn mới mua ^^
Như đã nói ở phần mở bài, bài viết trong các minh hoạ này hội tụ đủ nhiều yếu tố: tăng tương tác, tăng thời gian ở lại website, tăng tính tin cậy của người đọc, có thể tracking người đọc quan tâm phần nào nhiều hơn trên trang (bạn có thể search heatmaps, nhiều bên cung cấp lắm), lồng ghép thương hiệu, show khả năng của doanh nghiệp dẫn đến các phần call to action mượt hơn. Bài viết chuẩn seo, kết hợp bán hàng và quảng bá thương hiệu tinh tế nữa. Bạn có cần nội dung như thế cho doanh nghiệp mình không? Hay vẫn một mực trung thành với content SEO riêng, bán hàng riêng?
2. Content cô đọng, dạng slide
Học hỏi nền tảng slideshare.net và Google Primer, đây là nơi review các kiến thức một cách cô đọng. Được chia thành nhiều slide, mỗi slide chứa 1 ý, thường trên Primer sẽ là cách dạy 1 kiến thức mới thông qua 1 câu chuyện và có đặt nhiều tình huống cho người đọc chọn cách giải quyết. Ở mỗi cuối bài có recap những ý chính mà người đọc đã tương tác với bài học và ý đúng của tác giả.
Đây là nền tảng giúp người đọc tương tác nhiều hơn với nội dung, lại có được nội dung ở mức cô đọng, đủ hiểu vấn đề người viết muốn truyền tải, lại còn giúp người đọc ở lâu hơn trên trang. Vì mỗi bài đọc thường tốn tối thiểu 5 phút. Khi có thêm các hoạt động tương tác hỏi đáp, buộc người đọc phải suy nghĩ phương án, sẽ càng có lợi cho website.
Web nào có thể áp dụng hình thức content cô đọng này?
- Website tin tức, review, so sánh sản phẩm.
- Nếu review phim thì chuyển thành video review hoặc tóm ý 15 phút cho toàn bộ phim dài 50 tập.
- Bạn đọc có thể sáng tạo thêm trên hình thức này với mô hình kinh doanh riêng của doanh nghiệp.
Video tóm tắt phim Game of Throne (bộ phim yêu thích của mình) trong vòng 10 phút. Phim này có tổng cộng 8 season, mỗi mùa khoảng 10 tập.
3. Content audio
Google đang phát triển voice search và đang hoàn thiện. Các thiết bị di động và phần mềm văn bản hiện tại đang nghe tiếng Việt khá tốt, cả giọng bắc lẫn nam, phù hợp cho hành vi tìm kiếm của người bận rộn.
Content audio có thể là biến thể của văn bản, để đỡ tốn thời gian cho 2 loại format, bạn có thể vừa publish content văn bản và ghi âm lại dùng cho phiên bản audio. Người bận rộn muốn tận dụng thời gian để hấp thu thêm kiến thức mới, họ sẽ chọn video hoặc audio, nếu bạn cũng có phát triển kênh content audio này thì thật dễ dàng tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng rồi.
Blog của Neil Patel dùng nhiều video và audio, nắm bắt nhanh nhạy xu hướng sử dụng internet của người dùng.
4. Video
Cũng giống như audio ở trên, video là cách tiếp cận người xem một cách sinh động. Đặc biệt tiếp cận được đối tượng khách hàng tiềm năng là người cao tuổi, người bận rộn, người làm nhiều việc (các mom bỉm sữa thích xem video trong lúc làm việc nhà), đối tượng thế hệ Y, Z thích nội dung số và các nội dung viral clip sáng tạo, …
Dạo gần đây các team content của các công ty bắt đầu thích làm video hoạt động thường ngày, các câu chuyện hàng ngày, các thử nghiệm mang tính dài hơi như cua 1 anh nào đó hay hành trình lấy lại vóc dáng, các challenge theo trend, cover bài hát hay phim ảnh, trào lưu đóng phim ngắn chèn quảng cáo sản phẩm từ Tik Tok, …
Các video này không yêu cầu kinh phí từ production, máy quay có khi là chiếc iPhone có tải thêm 1 vài app để cắt ghép. Để video tương tác tốt, kịch bản sáng tạo và màu sắc của diễn viên là 2 yếu tố bắt buộc.
Ngoài video được quay trước thì livestream cũng là 1 hình thức ngày càng có nhiều biến thể giúp truyền tải nội dung đa dạng hơn. Nhiều team công nghệ lập trình các phần mềm hỗ trợ livestream, có thể set up thêm hỏi đáp, chèn các video quay trước đó, các trò chơi minigame thu hút người xem, vừa tăng tương tác vừa tìm hiểu thêm về thương hiệu và sản phẩm khá tốt. Bên này là đối tác của bên mình, bạn đọc có thể tham khảo: https://kimwy.com. Ngoài ra thì Kimwy cũng tham gia 1 buổi workshop do công ty mình tổ chức tháng 1/2020.
Còn nhiều update mới nữa, mình sẽ cố gắng viết tiếp, và update trong tháng 2/2020 nha.