NHỮNG ĐIỀU KỲ THÚ CỦA NGHỀ VIẾT SỐ 1
Người ta thường nói “Góp gió thành bão” và nghề viết cũng vậy, phải có lắm văn bản đọc không nuốt nổi mới đến lúc thành danh. Câu này nghe có vẻ văn vở nhưng thực tế, đây là điều mà mình đúc kết được và cũng là cốt lõi trong 3 bài viết về “Những điều kỳ thú của nghề viết” do sếp yêu cầu chia sẻ sau đây 🙂
Mục lục
1 chữ ngàn vàng bắt đầu từ văn bản ngàn chữ không đáng 1 ngàn!
Tôi đã bắt đầu nghề content marketing với tâm thế lẫn vị thế của một con muỗi – khá là “ô cê” với mức giá 100k/bài 1000 chữ. Rồi một ngày, tôi nghe người yêu nỉ non rằng ảnh viết tagline 10 chữ lấy được cả $1000, thế là ngoài viêm màng túi, tôi lại mắc thêm bệnh ảo tưởng nữa. Tôi bắt đầu nhân đám chữ của mình lên theo giá đô la nhưng thấy không ổn nên hạ xuống còn một nửa. Dĩ nhiên, kết quả vẫn là ế mốc bàn phím.
Đến giờ, khi anh người yêu đã sắp thành chồng, tôi cũng đổi từ content writer sang một vị trí “kêu” hơn: creator nhưng tagline vẫn chưa vươn lên nổi $100. Bù lại, tôi đã hiểu đại khái cách để chúng ta – những con muỗi “ngứa nghề” đến gần điểm G đồng tiền hơn chút đỉnh.
Sau vài năm làm content, bạn sẽ xây dựng được một sự “nghiệp” khổng lồ
1. Viếng thăm nghĩa địa văn bản
Mỗi người đều có điểm G nằm ở vị trí khác biệt và mỗi tệp khách hàng cũng tương tự, đều có những vấn đề chung cần được giải quyết. Nếu bạn muốn mẩu quảng cáo của mình vừa có thể hút “máu” khách hàng, vừa không bị đập thì hãy xin máu đúng chỗ G – đủ “sướng” để họ không “phản kháng”. Và chẳng có cách nào nhanh hơn việc làm một chuyến viếng thăm đến nghĩa địa của những văn bản đã thất bại.
Đơn giản nhất, chắc chắn bạn đã từng đọc hoặc viết qua vài bài viết dạng thế này: “Chúng tôi là công ty TNHH một thành viên ABC. Trong những ngày gần đây, virus Corona đã khiến xxx người chết và xxx người nhiễm bệnh. Bạn nên thực hiện các biện pháp sau để phòng chống…” và cuối bài viết chỉ có thêm một vài câu giới thiệu khẩu trang của hãng.
Vấn đề ở đây là gì?
Khách hàng không thấy được vấn đề của họ và biện pháp giải quyết của bạn. Nếu không có gì ích lợi, đa phần người đọc sẽ lướt qua. Dĩ nhiên, họ sẽ ở lại nếu cần thứ gì đó để giết thời gian.
Trường hợp thứ hai là các mẫu quảng cáo kiểu: “Hãy đến với XXX, chúng tôi là hãng khẩu trang lớn nhất Việt Nam. Khẩu trang của chúng tôi có thể chống lại virus, siêu vi khuẩn, Ebola, HIV,…” Hoặc “Trẻ hơn 10 tuổi với collagen XXX với 5% sâm Hàn Quốc, kim ngưu, hoàng liên,…” và rất nhiều bài viết như thế nữa. Tạm thời chưa biết nó có mang lại cho khách hàng của bạn cái gì hay không nhưng chắc chắn, mấy dòng chữ nhàm chán này đã tiêm vào não người đọc một liều thuốc ngủ cực đỉnh rồi.
Sai ở đâu?
Khách hàng không thấy thuyết phục bởi bài viết quá sáo rỗng và nhàm chán. Kiểu bạn đang kêu la hết mình nhưng partner hoàn toàn vô cảm ấy.
Đường đến nghĩa địa văn bản ở đâu?
Bạn sẽ tìm thấy những content này ở các trang web, blog,… nằm sâu trong mục thứ 3, thứ 4 của trang tìm kiếm trên Google. Đây là cách đơn giản nhất để học được những sai lầm từ các bài viết không có cơ hội được nỉ non với người đọc. Và tất nhiên, bạn phải tự rút kinh nghiệm thông qua những con chữ đó, bởi chính tác giả đôi khi cũng chẳng biết họ đã viết sai cái gì nữa!
2. Trên đường lên đỉnh, đừng bỏ quên partner!
Một vấn đề tiếp theo khiến nhiều chiến sĩ bỏ mạng trong quá trình viết bài PR, eMagazine,… là: mài ngòi bút sáng bóng, phác thảo hoàn hảo visual nhưng đã gục chết trước khi đến được với người đọc.
Lý do là gì?
- Cái chân gà còn phèn quá em, viết cho nó sang lên giùm chị.
- Chân thực nhưng vẫn bay bổng, em làm vầy là chết anh rồi!
- Dài quá!
- Ngắn quá!
- To quá!
- Chị chưa thấy đã!
Tức! Nhưng khách hàng không chỉ là cha là mẹ, họ có những lý do để không chấp nhận bài viết của bạn. Một trong những lý do lớn nhất là bởi họ hiểu hơn ai hết target tệp khách hàng của mình. Bạn không thể lên đỉnh một mình khi partner còn ở dưới chân núi được.
Vì vậy, hãy chủ động tìm hiểu về khách hàng của khách hàng và hiểu được mục đích cuối cùng của bài viết.
3. Bạn là con muỗi hay người vỗ tay?
Thậm chí, trước khi đến được với khách hàng, có thể chính đồng nghiệp và sếp đã gạt bỏ bài viết “hộ” bạn. Đứng trước tình huống này, đa phần chiến sĩ muỗi sẽ tiếp tục vo ve mạnh mẽ hơn để chứng tỏ tài hút máu của mình cũng như chất lượng mũi kim – bài viết. Tuy nhiên, bạn nên biết nhiệm vụ của mình là gì trước khi quyết định phản kháng.
Cụ thể dù các tiêu chí tuyển dụng editor, account,… không yêu cầu khả năng chém banh nóc, viết câu nào mặn chát câu đó nhưng họ mới là những người hiểu yêu cầu của khách hàng hơn bạn (và cả khách hàng của khách hàng nữa). Những cuộc họp hằng tuần không phải là để “dzẫy đầm”, cho phép họ thoải mái nghỉ ngơi và quyền bóp méo bài viết của bạn. Yêu cầu của khách hàng mới là khuôn chuẩn mà mọi bộ phận cần tuân theo.
Vì vậy, trên vị thế là một con muỗi, bạn cần xem xét mọi khía cạnh và góp ý của người vỗ tay thiện lành để hoàn thiện bài viết hơn nữa.
Dĩ nhiên, hãy phản biện nếu bạn có lý do xác đáng!
4. Có partner ngắn, nhỏ; có partner thích dài, to!
Lúc mới chập chững vào nghề sáng tạo, bạn sẽ được nghe một câu phổ cập thông tin hết sức kinh điển là: viết dài thì dễ, viết ngắn mới khó. Sau một thời gian mò mẫm viết lách, cùng lục súc tranh công, tôi thấy chân lý này đúng phết. Lại tiếp vài năm, chân lý này đã bớt đi chút đỉnh bừng sáng.
Nói về vấn đề này, tôi đột nhiên nhớ đến anh Bút Chì – tác giả cuốn “Làm bạn với hình, làm tình với chữ” – người đã trình bày một bài phỏng vấn “ảo” trong cuốn sách này và anh có đề cập đến sự giống nhau quảng cáo với khiêu dâm. Ở một mặt nào đó, bạn sẽ thấy có partner ngắn, nhỏ; có partner thích dài, to, tựa như nhu cầu từ client gửi đến bạn vậy.
Từ đó, sự dài/ngắn, to/nhỏ đã bớt quan trọng hơn trong đầu tôi khi viết bài, tất cả tế bào não của tôi giờ đây chỉ chăm chú đến việc viết đủ, viết đúng và viết hay. Chỉ vậy mà thôi!
Nhưng cũng đừng để khách hàng rơi vào vòng lao lý vì mấy ngón tay của mình đi quá xa nhé!
Ví dụ, hãy nhìn lại chiến dịch “Life for Now”, câu biểu ngữ “Join the conversation” với hình ảnh Kendall Jenner đưa một lon Pepsi cho viên cảnh sát giữa cuộc biểu tình. Thông điệp hướng sai đối tượng và sự can dự quá mức vào chính trị không chỉ khiến hãng gặp nhiều rắc rối xã hội mà còn chẳng có chút hiệu quả nào kích thích người tiêu dùng chọn sản phẩm.
Nên làm gì?
Hiểu được mục tiêu cuối cùng của khách hàng và tránh tình huống “đồng tiền đi liền cuốn lịch”.
5. Kết luận
Tóm lại, bạn cần trải qua rất nhiều, rất nhiều những bài viết không được trả đến 100 ngàn để bước đến đỉnh cao 10 chữ $1000. Content marketing hay quảng cáo bản thân chúng luôn luôn dát vàng lên vẻ ngoài để đánh lừa bạn khỏi những màn “chiến nhau” căng thẳng sau bức màn khép kín của các agency. Với tư cách là một con muỗi già đời, tôi chỉ muốn khuyên các bạn hãy thoải mái nhìn nhận sai lầm của mình, sai lầm của người khác, đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn và tiếp thu mọi ý kiến để cải thiện bài viết. Nhưng nếu bạn có đủ lý luận, đừng ngại “múc” ai cả để bảo vệ đứa con tinh thần của mình!
Chi Chi