6 điều về Content Editor hay sức mạnh của biên tập
Viết nhiều về creator, copywriter, content planner nhưng chưa viết về content editor thì cũng có phần chưa công bằng với các bạn đang làm lĩnh vực này hoặc chuẩn bị gia nhập ngành này. Để mọi người nhìn nhận một cách khách quan hơn về người làm biên tập và những thử thách mà họ phải vượt qua để có được sự tôn trọng và tiếng nói cao hơn trong công việc.
Bây giờ thì theo dõi bài viết này nha, bài viết này sẽ được cập nhật thường xuyên khi có thay đổi để theo kịp thời thế, nên mọi người yên tâm là dù đọc bài này vào 2020 hay 2025 thì nội dung vẫn còn vừa vặn để bạn có cái nhìn đúng hơn về nghề.
Bài viết này được chia ra thành 6 đề mục lớn để mọi người dễ follow.
Mục lục
1. Edit là làm gì?
Tuỳ bạn edit ở lĩnh vực nào. Nếu là edit ở các tạp chí thì bạn phải edit cả văn bản, cách trình bày, dàn trang, visual, … những nội dung mà phóng viên đưa tin đem về.
Nếu edit ở client thì đa số là hiệu đính, check xác thực thông tin đưa ra và thông tin về sản phẩm / dịch vụ hay doanh nghiệp. Chỉnh sửa hình ảnh và video.
Nếu edit ở agency thì công việc nhiều hơn thế. Bạn phải so sánh lại từ brief, outline đến thành phẩm. Chỉnh sửa hiệu đính nội dung, hình thức trình bày, hình ảnh, tra nguồn, kiểm tra tính unique của nội dung, … rất nhiều việc để có được một nội dung hoàn chỉnh.
Công việc edit nhiều áp lực và cần nhiều kinh nghiệm
Vậy edit hiểu nôm na là gọt giũa những nội dung thô hoặc hoàn chỉnh thành những nội dung chất lượng, xác thực, đúng định hướng và thu hút ở cả hình thức lẫn nội dung. Tức là làm tổng hợp rất nhiều việc, chứ không đơn thuần là chỉnh sửa câu văn như mọi người vẫn lầm lẫn. Edit là việc làm tan vỡ nhiều trái tim khi thành phẩm không còn là những gì creator viết ra. Edit là việc làm khiến người cầu toàn phải vứt bỏ rất nhiều bực bội vì nội dung bị thiếu dấu câu, sai chính tả hay chia cấu trúc không phù hợp.
2. Content editor là ai và họ làm gì?
Content editor là người thực thi những công việc ở phía trên. Content editor cũng được chia ra thành nhiều cấp bậc.
- Junior editor
- Senior editor
- Phó tổng biên tập
- Tổng biên tập
Thường các chức vụ này sẽ xuất hiện ở các toà soạn nhiều hơn. Nếu làm trong môi trường agency, đa số người làm ở mảng nội dung là creator và copywriter. Nhưng nếu bạn làm ở content agency thì editor lại phổ biến hơn và hầu như content agency nào cũng phải có tối thiểu 1 content editor dựa vào mức lớn của business.
Content editor chứng tỏ lực thực với nhau bằng thành phẩm, mảng nội dung mà bạn phải biên tập khó hay dễ, đòi hỏi nhiều kiến thức kinh nghiệm hay không.
Content editor ở công ty nhỏ sẽ ít đòi hỏi mức độ kinh nghiệm hơn ở các công ty phục vụ các khách hàng lớn, khó tính và đặc biệt là có thương hiệu nổi trội.
Content editor cũng giống như các vị trí về viết khác, họ cần trau dồi kinh nghiệm qua việc viết, đọc và biên tập.
Content editor làm việc trong môi trường agency có nhiều đất để sáng tạo và tăng level hơn
Để so sánh một editor bạn có thể xem bài viết thô và bài viết thành phẩm, để xem họ là người để ý đến và chỉnh sửa:
- Cấu trúc câu, ngữ pháp và độ chính xác của từ được biểu đạt. Độ nét, kích thước của hình ảnh.
- Bố cục, cấu trúc bài viết. Tone màu chính của hình ảnh và video.
- Nội dung chính và cách diễn giải ý của bài. Mức độ biểu đạt ý tứ của nội dung thông qua hình ảnh.
- Hàm ý của người viết và mức độ cố gắng dùng từ của họ để biểu đạt ý tưởng của họ đến người đọc. Không ngại cắt gọt và viết lại, không ngại thay đổi cấu trúc và thẳng tay thay thế.
Mỗi dòng trên biểu trưng cho 1 level của content editor. Nếu bạn đọc đang làm hoặc sắp gia nhập công việc biên tập, bạn đang ở level nào và sẽ làm gì để có thể có tiếng nói hơn trong ngành của mình? Bạn sẽ cần cải thiện gì để phát triển trong nấc thang sự nghiệp?
3. Content editor có thể làm việc ở đâu?
Ở trên mục số 2, bạn cũng có thể biết là editor sẽ thường có mặt tại các content agency, các doanh nghiệp có bộ phận content marketing inhouse hoặc thậm chí thuê ngoài thì đôi khi vẫn cần 1 editor cứng ở nội bộ. Bạn có thể làm việc tại client hoặc agency hoặc có thể làm tự do theo định hướng mục tiêu phát triển của bạn.
Làm ở tòa soạn:
Dành cho các bạn thích làm ở lĩnh vực báo chí cả online và offline. Bạn có sở trường là thể thao hay giải trí, chính trị hay văn hoá, thời trang hay tôn giáo, … đều có riêng những tờ báo cho bạn tham gia. Ở đây, bạn có thể biên tập một hoặc nhiều mục trong tờ báo đó, có rất nhiều thời gian tìm hiểu những điều thú vị.
Làm ở tòa soạn thì không bó buộc nhiều, bạn dễ bung xõa (trừ những lĩnh vực nhạy cảm). Các bạn có background là sinh viên báo chí thường có ưu điểm khi xin việc hơn, vì nhiều môn học ở trường có dạy tường tận, nhưng không có nghĩa là bạn không có cơ hội.
- Ưu điểm: có nhiều cấp bậc để thăng tiến và dĩ nhiên nhiều thử thách cần phải vượt qua. Nghề này nhiều áp lực ngang ngửa sự thú vị và hào nhoáng của nó.
- Khuyết điểm: để nhảy sang lĩnh vực khác như nhảy vào agency thì kinh nghiệm biên tập báo cũng chỉ là 1 việc biên tập nhỏ, vì với agency thì văn bản giờ đây có thể là bất kỳ thứ gì, với nhiều mục tiêu hơn là lượt view. Nhiều khái niệm bạn phải học, và cả việc đọc về hành vi người dùng, cách dùng tool, phân tích số liệu, thị hiếu, social listening, … chà, nhiều việc đấy.
Làm ở client:
Dành cho các bạn muốn phát triển sâu và theo một lĩnh vực bạn đam mê. Ví dụ bạn vừa đam mê viết, vừa đam mê F&B hay nội thất / kiến trúc, … thì bạn nên apply ở client, nơi cho bạn hàng năm trời chỉ tìm hiểu và biên tập nội dung liên quan đến đúng sở thích của bạn. Tinh thông 360 độ tin tức, kiến thức và kinh nghiệm của lĩnh vực này là cách để bạn luôn được tin tưởng trong công việc.
Để tinh thông 1 món nghề chỉ dành cho các bạn có đam mê thực sự, và phải kiên trì nữa. Nhiều khi việc lặp đi lặp lại 1 thứ gì đó 6 tháng, 1 năm có thể là niềm yêu thích nhưng 3-5 năm thì cần nhiều nỗ lực và lòng tin, vì nhiều lý do để bắt bạn nản lòng và bắt bạn lơ là lắm. Theo đuổi là khó mà bỏ cuộc là dễ.
- Ưu điểm là bạn sẽ được làm ở lĩnh vực bạn thích, và biết sâu về lĩnh vực đó. Đi đến đâu, câu chuyện bạn kể cũng có sức nặng hơn.
- Khuyết điểm là khó mà lên chức, nếu bạn muốn nhảy việc thì cũng chỉ dễ tìm việc ở các công ty có cùng lĩnh vực, nếu nhảy sang agency thì cũng được nhưng lợi điểm là edit và tiếp xúc nhiều lĩnh vực thì bạn tạm thời chưa có như các ứng viên khác. Thêm nữa là việc edit ở client sẽ không đụng nhiều loại nội dung khác nhau như ở agency.
Làm ở agency (đặc biệt là ở content agency):
Đây là mảnh đất màu mỡ để bạn phát triển tiềm năng của mình. Content agency sẽ phục vụ nhiều khách hàng, có thể là các tập đoàn to bự hoặc SME, có thể là FMCG hoặc real estate. Bạn sẽ tìm hiểu định hướng của mỗi agency sao cho phù hợp với bản thân mình nhất rồi apply (việc này chắc chắn bạn quá giàu kinh nghiệm rồi, sẽ không viết ở đây, maybe sẽ viết ở 1 bài khác, cho các bạn chưa có kinh nghiệm xin việc nhé).
Bạn sẽ được tiếp xúc với đa dạng nội dung và những nội dung đó sẽ giúp bạn mở rộng chân trời kiến thức cùng niềm đam mê bất tận. Nhưng không nói quá, vì sẽ có những lúc công việc thật tẻ nhạt và rập khuôn, đừng ảo tưởng nhiều bạn nhé, hãy luôn tò mò và tích cực tìm hiểu, sẽ không có gì là thất vọng khi đi sâu vào nghề, tất cả chỉ là trải nghiệm.
- Ưu điểm khi làm editor ở đây là tiếp xúc nhiều loại nội dung, nhiều khách hàng, nhiều lĩnh vực, tha hồ bay nhảy. Công việc là không giới hạn và nhảy việc thì cũng có nhiều nơi để đầu quân vào.
- Khuyết điểm: môi trường này nhiều áp lực, nhiều cái mà bạn phải tuân thủ, và phải “chi” não cho nhiều thứ cùng lúc. Bạn trẻ nào làm multitask tốt thì sẽ dễ thích nghi, còn không thì dễ thấy cái gì cũng không xong, cái gì cũng chưa ra cái gì.
Trải nghiệm nhiều và luyện tập nhiều biến bạn thành content editor xuất sắc
Làm freelancer:
Làm content editor freelance cũng giống như content creator hay copywriter freelance. Tự do có nghĩa là không có giới hạn nào trừ giới hạn bản thân tự đặt cho mình. Bạn muốn nhận bao nhiêu việc cùng lúc là do bạn. Bạn muốn bao nhiêu nhuận bút cho bản thân mình thì cũng do bạn định giá, và so sánh nhận các job phù hợp với giá mình đặt ra. Bạn muốn làm việc ở đâu, khi nào tùy thích.
Nhưng freelance cũng có nghĩa là bạn phải có nhiều thử thách phải vượt qua:
- Thời gian của bạn do bạn tự định ra, nên bạn sẽ nhiều khi nuông chiều bản thân mà không tuân thủ, dễ trễ deadline và cái giá là mất uy tín.
- Số lượng công việc do bạn tự đặt ra, nên bạn sẽ quá tham lam hoặc quá thong dong dẫn đến quá áp lực hoặc quá chậm chạp trong việc phát triển tay nghề.
- Tiền bạc bạn cũng tự định ra, nên bạn sẽ nhiều khi tiêu xài quá mức hoặc không có đủ khả năng để cân bằng thu nhập, dẫn đến sự bấp bênh.
Làm freelancer cũng sẽ dựa vào personal branding của bạn mà có được job thú vị hoặc không, nhiều bạn không định giá bản thân đúng, hoặc quá kiêu căng, hoặc không biết cách làm thương hiệu cá nhân mà việc freelance cũng khó khăn theo. Nhiều người bảo, khi bạn nói bạn làm freelancer đồng nghĩa bạn đang thất nghiệp.
Nhưng cái hơn hết là bạn sẽ ít khi có được một người thầy để giúp bạn phát triển tay nghề hoặc những người đồng nghiệp để cùng bạn chia sẻ những lúc tâm trạng đi xuống. Cần thật nhiều sự dũng cảm, kế hoạch và sự kiên trì, khi bạn quyết định làm editor freelance.
4. Những thứ một editor phải biết
Kiến thức
Dựa vào nội dung mục số 3 ở trên, xem bạn thích môi trường nào, rồi dung nạp thật nhiều kiến thức ở môi trường đó. Kiến thức là bất kì thứ gì từ cả chuyên môn đến các thứ xung quanh như môi trường, ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ, … Mỗi thứ đều giúp cho bạn làm phong phú hơn chính con người bạn. Người sống phong phú viết ra nhiều thứ hay ho và người sống phong phú cũng dễ trở thành một biên tập viên xuất sắc.
Kiến thức này có thể tích cóp từ việc bạn quan sát và học hỏi ở mọi thứ.
- Chơi môn thể thao mới, học nhạc cụ mới.
- Xem phim, nghe nhạc, ngâm thơ.
- Đi ra ngoài, tham gia các event.
- …
Một số nơi update kiến thức rất nhiều bạn có thể học hỏi (vẫn cần nhiều nỗ lực chọn lọc của bản thân nhé)
https://medium.com (nơi này ngoài kiến thức hay, còn sắp biến thành nơi cho các bên làm SEO, nên cũng phải chọn lọc)
5. Những cách giúp bạn trở thành editor giỏi hơn
Một editor xoàng xoàng và một editor xịn phân biệt thế nào?
Ở mục số 2 có giúp bạn phân biệt sơ sơ rồi đó. Scroll up để xem lại nhé. Nhưng để phân biệt sâu hơn nữa, thì hãy xem tiêu chí để trở thành 1 editor xịn dưới này nha. Ở đây là note từ mymajors. Thử mức độ xịn mịn của mình bằng cách chấm điểm cho bản thân.
Vậy xem ra làm 1 editor thường thường thì dễ mà nghiêm túc phát triển công việc này thì bạn phải biết bắt đầu từ đâu rồi đó.
Đầu tiên là tự học trên Google hoặc tìm đến 1 khoá học vỡ lòng rồi đi tới khoá nâng cao về editor. Content editor cũng chưa có khoá nào phổ biến, đa số lớp lại dành cho content creator hoặc copywriter hết rồi. Thật may là ERA đang cho ra giáo trình đào tạo editor vì thấy một lượng lớn nhân sự các doanh nghiệp đang cần là content editor nhưng lại không có nhiều người apply vị trí này. Sự khan hiếm nhân sự chuyên nghiệp nhưng lại thừa nhân sự newbie khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nâng cấp hình ảnh và nội dung thương hiệu.
Subscribe email để nhận thông tin về khoá học sớm nhất
Subscribe to our network |
- Để giỏi hơn, không có gì nhanh bằng luyện tập và học hỏi từ người giàu kinh nghiệm hơn. Thật tốt khi ai cũng có 1 mentor, để hỏi những câu hỏi dummies nhất mà không ngại, cũng để dìu dắt vào môi trường mới một cách thuận lợi. Lời khuyên là nên tìm cho mình 1 mentor.
- Luyện tập càng đơn giản hơn, cứ luyện như luyện viết, ngày ngày, đều đặn, từ dễ đến khó, từ edit 1 lần đến 3 lần, đến bài tuyệt hay mới thôi. Chấm điểm 10 thì dừng lại, còn tạm chấp nhận 6-7 điểm thì tiếp tục edit.
- Có môi trường phù hợp. Môi trường, sếp và đồng nghiệp, là những nhân tố giúp bạn tiến bộ vượt bậc trong công việc. Nhìn xa hơn, thì còn là các job bạn nhận được nữa, là khách hàng của công ty. Nên nghệ thuật tìm nơi nương náu cũng nên học nha. Nhân tiện thì ERA cũng đang tìm bạn đồng hành, nếu bạn đang hứng thú thì có thể apply vị trí content editor.
- Hãy follow những người nổi tiếng trong lĩnh vực edit, trên Twitter hay Medium, họ thường nói gì, có những từ khoá nào bạn có thể tìm hiểu thêm không?
- Hãy xem thật nhiều các nội dung mới, nội dung sáng tạo từ nhiều phương tiện khác nhau, học nhiều loại ngôn ngữ để có góc nhìn rộng hơn ở cùng 1 lĩnh vực thông qua ngôn ngữ biểu đạt của mỗi ngôn ngữ. Làm editor biết nhiều ngôn ngữ là lợi thế rất lớn đấy.
- Viết nhiều, viết cũng là cách để edit tốt hơn. Viết rồi edit rồi publish lên website cá nhân. Hãy show kinh nghiệm của mình, cách mình edit, sau này đọc lại sẽ hữu ích, khi thấy cách thức mình phát triển và thời điểm nào mình bắt đầu nhảy level. Viết và edit nhiều là minh chứng khi bạn chứng tỏ khả năng của mình với một vị trí mới, một môi trường mới.
6. Những vỡ mộng về công việc edit bạn cũng cần phải biết
Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì công việc này cũng cool nhỉ. Nhưng nếu bạn là người mới, bạn cũng cần phải biết
- Công việc nào cũng cần kinh nghiệm. Người mới toanh, kiến thức là trang giấy trắng, nhiều cái bạn biên tập làm sai đi nội dung, làm mờ đi ý nghĩa, làm rối thêm diễn đạt, hoặc không được chấp nhận, … là những cái bạn sẽ phải trải qua. Editor có tiếng nói khi kiến thức về lĩnh vực họ edit rộng và vững hơn người viết ra nội dung đó, họ nắm vững nghệ thuật đàm phán và khen chê, họ hiểu rõ khách hàng và thương hiệu như lòng bàn tay. Nếu bạn là người mới, không gì hay hơn là học thật nhiều.
- Công việc nào cũng cần thời gian. Viết ra bị sửa, bị chê và bị từ chối bạn đã thấy nhiều rồi, bài edit ra bị chê và bị từ chối chắc là bạn sẽ thấy còn nhiều hơn, khi bạn dấn thân vào nghề này nhé.
- Không phải công việc nào cũng cần sự đột phá. Có thể bạn sẽ phải edit 1 nội dung nhiều lần mới được khách hàng chấp nhận. Có thể bạn phải từ bỏ cách edit của bản thân để phù hợp với khách hàng. Có thể sự phá cách và mong muốn đột phá sẽ bị dập tắt và chỉ còn lại khuôn khổ lẫn sự tẻ nhạt.
Nhiều áp lực bạn dần thấy, nhưng đừng vội nản lòng, có áp lực mới có kim cương
- Bạn có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào. Nên càng phải dấn thân, kiên trì và đam mê. Nên càng phải thiết lập chỗ đứng cho mình bằng việc đầu tư nghiêm túc vào công việc.
- Mức lương cho người mới vào nghề không bao giờ cao. Và sẽ không thể cao nếu bạn không có màu sắc riêng và kinh nghiệm. Trong vòng 3-4 năm đầu, học hỏi và tạo bàn đạp mới là cái cần làm.
- Không phải văn phòng nào cũng tràn ngập sự sáng tạo và không gian tươi mới. Có khi nơi bạn làm sẽ là một phòng nhỏ trong một công xưởng lớn, có khi nơi bạn làm không có editor nào để bầu bạn và sếp của bạn cũng ít biết về công việc của bạn.
Bài viết tiếp trong chuỗi series về editor sẽ nói sâu hơn về công việc hàng ngày của editor ở ERA. Có thể là 1 tuần hoặc 1 tháng sẽ phát hành. Bài viết sẽ gửi đến cho các bạn subscribe email, còn không thì mọi người cứ chăm đọc blog của ERA sẽ phát hiện khi có bài mới.
– Kiều Hải Yến –