20 KPI dành cho lĩnh vực B2B Marketing mà doanh nghiệp nên theo dõi
Số từ: 3976
B2B – Business To Business là cụm từ dùng để chỉ hình thức buôn bán, kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Thông thường trong một công ty, team sales, marketing hay tài chính đều sẽ có danh sách KPI của riêng họ. Nhưng chỉ số B2B nào chúng ta nên nhìn qua khi muốn xem xét tình hình tổng thể của cả doanh nghiệp?
Trong bài viết, hãy tìm hiểu cách mà các doanh nghiệp B2B tập trung vào các chỉ số KPI mà họ thật sự quan tâm. Những chỉ số đó là gì?
Mục lục
1. Lưu lượng truy cập trang web (Website traffic)
Lưu lượng truy cập trang web (website traffic) là một KPI quan trọng mà chúng ta cần theo dõi hằng ngày. Doanh nghiệp có thể cài đặt Google Analytics để kiểm tra lưu lượng truy cập website của mình theo từng ngày. Theo dõi traffic của website sẽ giúp bạn biết được người dùng vào trang web của bạn để làm gì, họ quan tâm gì, muốn gì từ doanh nghiệp của bạn, từ đó có thể thay đổi và cải thiện doanh nghiệp tốt hơn.
2. Tỷ lệ click tự nhiên (Organic click-through rate)
Click-through rate (CTR) là tỷ lệ người dùng nhấp vào đường link trên tổng số lần đường link này hiển thị. Tỷ lệ click là một KPI quan trọng để chứng minh website của bạn hiển thị đủ nhiều đối với các khách hàng tiềm năng và đảm bảo rằng lưu lượng truy cập trên trang web đủ nhiều để có tỷ lệ chuyển đổi cho doanh nghiệp.
Bạn có thể theo dõi CTR tại Google Search Console.
3. Tỷ lệ chuyển đổi trên mỗi truy cập (Conversions per activity)
Trong tất cả các hoạt động marketing, chúng ta không thể nào bỏ qua việc theo dõi số lượng khách hàng đã đăng ký một hoạt động nào đó trên website. Thông thường, tỷ lệ chuyển đổi chính là mục tiêu cuối cùng mà doanh nghiệp mong muốn.
Bạn có thể dễ dàng theo dõi số liệu này bằng cách thiết lập mục tiêu trên Google Analytics. Trung bình các trang web có tỷ lệ chuyển đổi khoảng 1,95%. Và trong số các website doanh nghiệp hiện tại, chỉ có khoảng 10% các doanh nghiệp thực hiện marketing tốt có tỷ lệ chuyển đổi ở mức 4,77%.
4. Tỷ lệ chuyển đổi trên landing page (Landing page conversion rate)
Bằng cách đặt ra mục tiêu cho tỷ lệ chuyển đổi trên landing page của website, bạn có thể đo số lượng khách hàng tiềm năng mà landing page tạo ra, từ đó đánh giá hiệu quả của trang landing page này.
Ví dụ như tỷ lệ chuyển đổi trên landing page là 1%, nghĩa là chỉ 1 trên 100 người truy cập thực hiện chuyển đổi trên landing page. Nếu bạn muốn cải thiện tỷ lệ chuyển đổi, cần tối ưu trải nghiệm của người dùng trên trang bằng phân tích xu hướng người dùng yêu thích các mục nào trên trang, thực hiện biện pháp A/B testing các thành phần của trang và thay đổi content sao cho phù hợp hơn.
5. Chuyển đổi theo nội dung (Conversions by content)
Ngày nay, chúng ta có thể sở hữu rất nhiều ý tưởng để tạo ra các thể loại nội dung khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt/ theo dõi ROI cho phần nội dung này.
Vậy, làm sao để theo dõi phần chuyển đổi nội dung này? Hãy kiểm tra hành vi của người dùng sau khi đọc nội dung. Chẳng hạn, bạn có thể kiểm tra xem người dùng có xem đến cuối bài hay không bằng cách cài đặt Crazy Eggs.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kiểm tra liệu người dùng có tiếp tục xem các bài đăng khác trên website hay không trực tiếp trên Google Analytics, mục Behavior, chọn Behavior Flow.
Google Analytics giúp bạn kiểm tra xem người dùng “kiên nhẫn” đọc bao nhiêu bài viết của bạn trong một lần truy cập
Ngoài ra, bạn cũng có thể truy cập Google Analytics, mục Behavior, chọn Site content và xem tỷ lệ thoát của từng trang để biết nội dung nào có tỷ lệ thoát thấp, có cơ hội tạo ra chuyển đổi cao.
6. Tỷ lệ chuyển đổi biểu mẫu (Form conversion rate)
Theo dõi chuyển đổi biểu mẫu liên hệ có thể giúp bạn liên tục cải thiện hệ thống xếp hạng khách hàng tiềm năng dựa trên nhiều số liệu, dễ dàng có được khách hàng một cách nhanh chóng hơn.
Cụ thể, doanh nghiệp B2B nên theo dõi mức độ thành công của các cuộc gọi điện thoại với khách hàng bên cạnh các hình thức trực tuyến, mua hàng thương mại điện tử… Đối với các khách hàng B2B, thông thường chúng ta sẽ có tỷ lệ 10:1 cho việc tạo khách hàng tiềm năng qua điện thoại.
Trung bình cứ 10 cuộc gọi, bạn sẽ có 1 khách hàng tiềm năng
(Nguồn: Medium)
Với chu kỳ bán hàng dài hơn, khách hàng có kỳ vọng nói chuyện với người đại diện/quản lý trước khi mua mặt hàng có giá trị lớn. Sử dụng công cụ để đo lường, ghi nhận các cuộc gọi điện thoại có giá trị để tiếp tục tiếp cận khách hàng bằng các hình thức truyền thông có trả phí khác rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Sử dụng các công cụ, ví dụ như Automatic Call Recorder, Call Recorder, Call Recorder IntCall, Call Recorder IntCall FREE IOS, All Call Recorder Deluxe… sẽ giúp bạn ghi âm được các cuộc gọi, xác định các câu hỏi phổ biến của khách hàng.
Từ đó, bạn có thể giải đáp những gì khách hàng quan tâm qua content và các bài viết chạy ads của mình nhằm thu hút khách hàng đến với doanh nghiệp.
7. Chuyển đổi khách truy cập thành khách hàng tiềm năng theo nguồn (Visitor-to-lead conversion by source)
Khi bạn xem các số liệu B2B Marketing, đặc biệt là digital marketing, không chỉ theo dõi tỷ lệ người dùng truy cập (hay còn gọi là phiên tiếp xúc) như một KPI mà còn cần phải theo dõi sự chuyển đổi của những người dùng này để trở thành khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp.
Thông thường, chúng ta chỉ theo dõi chung chung về việc chuyển đổi này và áp dụng cho mọi tình huống. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng các nguồn truy cập khác nhau sẽ dẫn đến chuyển đổi với tỷ lệ khác nhau, có nguồn cao, cũng có nguồn thấp hơn.
Ví dụ: Nếu bạn đang tập trung quá nhiều cho việc gửi email đến khách hàng, bạn có thể thấy tỷ lệ chuyển đổi từ khách truy cập sang khách hàng tiềm năng thấp hơn. Vì sao? Vì thông thường, chúng ta sẽ chỉ gửi email cho những khách hàng hoặc những liên hệ sẵn có trong cơ sở dữ liệu, ít tiếp cận nhóm khách truy cập mới.
Theo dõi sự chuyển đổi từ khách truy cập thành khách hàng tiềm năng theo nguồn có thể cho chúng ta biết được biết nơi tập trung các cơ hội tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi và giúp bạn biết nỗ lực của bạn đang được đền đáp ở đâu. Liệu landing page ở dạng trả phí theo lượt click có đóng góp vào việc chuyển đổi của bạn? Kiểm tra sự chuyển đổi từ người truy cập thành khách hàng tiềm năng theo nguồn có thể giúp bạn có được câu trả lời.
Người dùng truy cập trang web là những đầu mối bán hàng tiềm năng. Vì thế, việc theo dõi chỉ số trên vô cùng quan trọng giúp bạn xác định được hiệu suất trong chiến dịch marketing của mình.
Theo dõi sự chuyển đổi từ người dùng truy cập thành khách hàng tiềm năng theo nguồn bằng công cụ phân tích sẽ cung cấp cho bạn thông tin có giá trị về nguồn gốc của traffic và giúp bạn biết được phương pháp làm SEO nào mang đến nhiều khách truy cập nhất.
8. Đăng ký email (Email sign-ups)
Khi làm B2B Marketing, bạn nên theo dõi số lượng người đăng ký nhận email của doanh. Thông qua chỉ số này, bạn có thể biết được các chiến dịch marketing hay quảng cáo của doanh nghiệp có đủ thu hút người dùng và kích thích họ muốn duy trì việc đọc các nội dung khác của mình hay không.
Khách hàng có đăng ký để nhận email từ doanh nghiệp của bạn?
9. Khách hàng tiềm năng (Leads)
Chỉ marketing thôi sẽ không đủ để bạn có thể “soán ngôi vương” trong nhóm ngành kinh doanh của mình. Bạn muốn làm được điều này? Hãy kết hợp với team sales để đo lường và tăng tỉ lệ khách hàng tiềm năng trên tổng lượt liên hệ.
Khách hàng tiềm năng thúc đẩy doanh số bán hàng. Số lượng khách hàng tiềm năng càng lớn thì cơ hội đạt được doanh số lớn càng cao.
Rõ ràng, chúng ta phải bắt buộc phải theo dõi số lượng khách hàng tiềm năng mỗi ngày. Hơn nữa, cần theo dõi điểm số của mỗi trang dựa trên khách hàng tiềm năng để chỉ tập trung nỗ lực cải thiện SEO vào đúng những trang mà khách hàng tiềm năng của chúng ta thật sự quan tâm!
10. Nguồn khách hàng tiềm năng (Source of leads)
Chúng ta đang nhận được rất nhiều khách hàng tiềm năng! Nhưng…
Điều quan trọng là phải xác định được các khách hàng này đến từ đâu! Bằng cách này, bạn có thể có cái nhìn tổng quan về các chiến dịch marketing của mình để xác định phương pháp tiếp cận khách hàng nào đang hoạt động và phương pháp nào cần có sự thay đổi thêm.
Có nhiều chia sẻ rằng, trong tất cả các chỉ số và KPI kể trên dành cho lĩnh vực B2B Marketing, chỉ số đáng tin cậy nhất cho các mô hình phân bổ marketing là tỷ lệ chuyển đổi của những khách hàng tiềm năng theo nguồn tạo khách hàng.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp định lượng được chi phí thực tế để có được khách hàng mà còn cho bạn biết những yếu tố nào đang hiệu quả hoặc không trong giai đoạn tạo ra khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp.
11. Chất lượng khách hàng tiềm năng (Lead quality)
Tăng chất lượng của khách hàng tiềm năng là ưu tiên hàng đầu của 68% chuyên gia trong lĩnh vực B2B marketing. Các khách hàng tiềm năng của bạn liệu có đủ chất lượng để cân nhắc hay không, đặc biệt là đủ “chất lượng” để mua sản phẩm để team sales của bạn có thể “chốt đơn” nhanh chóng?
Các chuyên gia chia sẻ, doanh thu từ các khách hàng tiềm năng này cũng hữu ích trong việc phân tích và đánh giá điểm số khách hàng tiềm năng.
12. Tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng marketing sang tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng để sale (Marketing Qualified Leads (MQLs) to Sales Qualified Leads (SQLs) conversion rate)
Khi làm marketing cho doanh nghiệp B2B, bạn nên theo dõi khách hàng tiềm năng và phân biệt giữa khách hàng tiềm năng đủ điều kiện tiếp thị (MQL) và khách hàng tiềm năng đủ điều kiện bán hàng (SQL). Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau đấy nhé!
So với team marketing B2C thì KPI này đặc biệt phù hợp với những ai đang làm marketing B2B vì chu kỳ bán hàng của họ có xu hướng dài hơn và các quyết định mua hàng có xu hướng phức tạp hơn. Điều này dẫn đến hành trình của người mua dài hơn, đòi hỏi chúng ta phải theo dõi hành trình này thường xuyên hơn.
Khách hàng tiềm năng để marketing MQL sẽ chỉ ra rằng liệu họ có nhiều khả năng trở thành khách hàng hay không, chẳng hạn như họ có truy cập trang web của bạn hoặc tải xuống các tài liệu hướng dẫn hay không. Tuy nhiên, họ vẫn chưa ở giai đoạn quyết định. Điều này cho thấy đội ngũ nên “chăm sóc” nhóm khách hàng này phải là đội ngũ marketing chứ không phải là team sales.
MQL là những người đã tự nhận mình là họ bị thu hút bởi sản phẩm mà bạn bán ra và đã sẵn sàng để mua hàng so với các khách hàng tiềm năng thông thường.
Ví dụ: những người liên hệ đã tải xuống tài liệu quảng cáo của bạn có thể được coi là MQL nếu họ đáp ứng các tiêu chí để trở thành đối tượng mục tiêu của bạn (bao gồm nhóm ngành kinh doanh mục tiêu, quy mô kinh doanh, doanh thu…)
Mặt khác, SQL đã ở trong chu kỳ mua hàng và sẵn sàng trở thành khách hàng. Họ có thể đã truy cập trang web của bạn nhiều lần, xem trang báo giá của bạn và yêu cầu bản demo hoặc điền vào biểu mẫu liên hệ. Những khách hàng tiềm năng này nên được ưu tiên cao nhất và nhận được sự theo dõi trực tiếp từ team sales của doanh nghiệp.
Có thể thấy, bằng cách theo dõi cả MQL và SQL, công ty của bạn có thể tận dụng tối đa dữ liệu về khách hàng tiềm năng và biết mình cần phải làm gì tiếp theo sau đó.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực B2B marketing cũng cho biết thêm rằng, việc theo dõi khách hàng thuộc nhóm SQL là điều cực kỳ quan trọng vì đây là sự phân chia rạch ròi giữa marketing và bán hàng..
Nếu team sales của bạn chấp nhận khách hàng tiềm năng đã đủ điều kiện thì có nghĩa là team marketing đã hoàn thành tốt nhiệm vụ rồi. Còn chuyện sau đó có thể “chốt đơn” hay không sẽ chỉ phụ thuộc vào team sales mà thôi. Tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng marketing (MQL) sang tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng để sale (SQL) là một số liệu tuyệt vời để hiển thị giá trị của các chiến dịch marketing mà bạn thực hiện và không chỉ đánh giá xem chúng có tạo ra khách hàng tiềm năng hay không mà còn biết được khách hàng tiềm năng này có phù hợp hay không.
Nếu không muốn tách bạch rạch ròi MQL & SQL, bạn có thể thống nhất về định nghĩa chung về “khách hàng tiềm năng đủ điều kiện” và sau đó đánh giá mức độ hiệu quả của nhóm khách hàng này.
Bạn có thể thống nhất MQL và SQL thành nhóm “khách hàng đủ điều kiện”
(Nguồn: Propeller CRM Blog)
Tối ưu hóa các vấn đề liên quan đến khách hàng tiềm năng đủ điều kiện sẽ mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp của bạn – nhóm sales sẽ không phải lãng phí thời gian để theo đuổi những khách hàng tiềm năng vô ích trong khi vấn đề có thể được cải thiện nếu bạn “bắt tay” với team marketing để chăm sóc nhóm khách hàng này.
Thay đổi trọng tâm từ số lượng khách hàng tiềm năng đang có thành bao nhiêu phần trăm khách hàng tiềm năng chuyển đổi thành khách hàng là một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi khái quát từ số lượng sang chất lượng của doanh nghiệp.
13. Hiệu suất của khách hàng tiềm năng đủ điều kiện (Performance of qualified leads)
Đo lường hiệu suất của các khách hàng tiềm năng đủ điều kiện là KPI đặc biệt quan trọng mà doanh nghiệp không nên bỏ qua.
Nếu bạn có thể biết tỷ lệ “chốt đơn” từ nhóm khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng chính thức và bao nhiêu dự án bạn cần chốt mỗi quý, bạn sẽ dễ dàng biết được liệu bạn có đang theo dõi dựa trên số liệu khách hàng tiềm năng đủ điều kiện hay không.
Ở một khía cạnh khác, nếu đội ngũ marketing của doanh nghiệp không đạt được KPI về nhóm khách hàng tiềm năng đủ điều kiện, bạn sẽ biết rằng bạn cần tìm cách để tăng thêm lưu lượng truy cập thông qua nhiều nội dung và/ hoặc quảng cáo có trả phí.
14. Tốc độ của quy trình bán hàng (Sales pipeline velocity)
Tốc độ của quy trình bán hàng là một trong những yếu tố đánh giá thành công của team B2B Marketing. Tốc độ này giúp bạn đo lường tổng thời gian chuyển từ khách hàng tiềm năng sang khách hàng. Điều này giúp bạn biết được các kênh truyền thông của mình hoạt động tốt ra sao và bạn có thể nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng của mình theo hướng nào.
Rất nhiều doanh nghiệp B2B hiện nay đã rơi vào bẫy marketing do thiếu thương hiệu hoặc định vị thị trường. Lúc này, họ dành quá nhiều thời gian để giải thích lợi ích của sản phẩm và điểm mạnh của doanh nghiệp cho mỗi khách hàng mới. Điều này cho thấy khách hàng của họ không nhận được thông điệp rõ ràng về sản phẩm/ dịch vụ họ cung cấp và những gì.
15. Tỷ lệ chốt đơn hàng (Sales close rate)
Tạo ra các khách hàng tiềm năng là một chuyện. Trong tổng số các khách hàng mà chúng ta vẫn cho là tiềm năng, sẽ có những khách hàng không đủ tiêu chuẩn, thậm chí là khách hàng “ảo” do các đối thủ của chúng ta tạo nên.
Khi bạn “tối ưu hóa” cho nhóm khách hàng tiềm năng đủ tiêu chuẩn của mình, hãy cố gắng để có thể chốt đơn hàng, giúp khách hàng hoàn tất giao dịch để tạo ra lợi nhuận thực tế cho doanh nghiệp.
16. Lợi tức đầu tư (Return on Investment – ROI)
Lợi tức đầu tư hay còn gọi là chỉ số doanh thu trên chi phí là một chỉ số quan trọng đánh giá hiệu quả marketing của doanh nghiệp. Có thể hiểu đơn giản đây chính là số tiền mà doanh nghiệp thu về trên chi phí mà họ bỏ ra.
ROI là số tiền doanh nghiệp thu về được trên chi phí đầu tư ban đầu
(Nguồn: Buffalo, NY)
Ví dụ, doanh nghiệp bạn bỏ ra 2.000.00 VNĐ cho quảng cáo và thu về được 10.000.000 VNĐ, lúc này chỉ số ROI sẽ là 5:1. Chỉ số ROI càng cao chứng tỏ chiến dịch marketing của bạn càng thành công.
Bạn cần phải có một cái nhìn bao quát về ROI vì một số kênh marketing là để xây dựng thương hiệu, và một số chiến lược marketing phải cần có thời gian để thu về được organic traffic hoặc bất cứ mục tiêu nào mà bạn đang mong chờ.
Do đó, chúng ta cần đặt ra mục tiêu, kiên nhẫn và theo dõi sát sao các mục tiêu của mình để có được các chiến lược phù hợp nhất. Ví dụ như một số công ty, doanh nghiệp không quá quan tâm đến lượt thích trên Facebook hoặc organic traffic mà chỉ quan tâm đến doanh số và tỷ lệ chuyển đổi mà thôi.
17. Doanh thu định kỳ hàng tháng (Monthly Recurring Revenue – MRR)
Đối với các doanh nghiệp B2B, doanh thu định kỳ là nhân tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Và đây cũng chính là điều mà những ai đang làm trong lĩnh vực marketing nên cố gắng cải thiện.
Tất cả khách hàng tiềm năng, người đăng ký, khách truy cập trang web… đều ảnh hưởng đến phần KPI MRR này.
18. Sự hài lòng của khách hàng (Customer satisfaction)
Khi doanh nghiệp tăng trưởng và bắt đầu có doanh thu, chúng ta thường không tập trung đến sự hài lòng của khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế thì sự hài lòng của khách hàng mới là điều đáng để chúng ta quan tâm.
Dịch vụ khách hàng tốt sẽ giúp mọi bộ phận khác của doanh nghiệp phát triển. Nếu bạn thấy khách hàng bắt đầu không còn hài lòng với sản phẩm của bạn hay doanh nghiệp của bạn, bạn nên chuẩn bị tinh thần rằng những KPI còn lại của doanh nghiệp cũng sẽ bắt đầu giảm xuống nhanh chóng.
Theo dõi tình cảm, sự hài lòng của khách hàng là một điều vô cùng khó khăn khi có quá nhiều công cụ hỗ trợ để đo lường phần KPI này như phương pháp NLP – Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phương pháp tự động sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI),… Tuy nhiên, cần nhớ rằng không có phương pháp nào là thật sự phù hợp trong tất cả mọi tình huống.
Google Insights, Google Alerts, Buzzmetrics, Brandtology và Hootsuite Insights là những công cụ tuyệt vời để các doanh nghiệp có thể bắt đầu đo lường phần KPI này.
19. Chi phí sở hữu khách hàng (Customer Acquisition Cost – CAC)
Customer Acquisition Cost hay còn gọi là chi phí sở hữu khách hàng là chi phí doanh nghiệp phải trả để có một khách hàng. Chi phí này được hiểu là chi phí biến chuyển đổi trong marketing online.
Phần chi phí này cần tính luôn cả chi phí về mặt thời gian mà doanh nghiệp khái niệm hóa, chuẩn bị và thực hiện các chiến lược của mình. Khi bạn bắt đầu chú ý, đo lường CAC như một KPI, bạn sẽ có một thước đo chính xác hơn về mức độ cần thiết và công sức của bạn để có được một khách hàng.
Giảm CAC phải luôn là ưu tiên hàng đầu của đội ngũ marketing doanh nghiệp vì điều này ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh doanh cấp vĩ mô như doanh thu và lợi nhuận cũng như các mục tiêu ở cấp độ vi mô như tăng tỷ lệ chuyển đổi và giảm chi phí khách hàng.
20. Giá trị vòng đời của khách hàng (Customer lifetime value – LTV)
Khi được phỏng vấn, nhiều marketer lâu năm đã chia sẻ rằng, một trong những KPI quan trọng nhất trong lĩnh vực B2B Marketing chính là giá trị vòng đời của khách hàng (LTV). LTV giúp doanh nghiệp biết được chúng ta cần chi bao nhiêu tiền để có được một khách hàng mới.
Bạn nên theo dõi giá trị vòng đời của khách hàng để nắm rõ bạn có thể chi bao nhiêu để có được khách hàng mới. Ví dụ, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ không thể chi 1.000.000 – 5.000.000 VNĐ để có được khách hàng khi doanh thu của bạn đối với các vị khách này chỉ ở mức 1.000.000 VNĐ hoặc thấp hơn.
Một lưu ý vô cùng quan trọng chính là bạn hoàn toàn có thể thay đổi số tiền đầu tư để tìm kiếm khách hàng mới bằng cách tăng lượt giới thiệu, giảm số lượng khách hàng ngưng sử dụng dịch vụ và thêm nhiều hoạt động kinh doanh tương tự. Biết được giá trị vòng đời khách hàng là gì, nên tìm khách hàng ở đâu sẽ giúp thúc đẩy doanh thu và khiến doanh nghiệp tăng trưởng theo cấp số nhân.
Kết luận:
Theo dõi hiệu suất của lĩnh vực B2B Marketing không hề phức tạp như bạn vẫn nghĩ.
Hãy thêm các KPI B2B này vào danh sách theo dõi của bạn và bắt đầu xem tổ chức của bạn phát triển như thế nào nhé!
Nguồn: Tổng hợp và lược dịch từ Databox
------
ERA Content Marketing - Giải pháp Inbound marketing/Content marketing đa kênh
Thấu hiểu và thực thi hiệu quả
Đặt lịch cà phê với chúng tôi để được tư vấn cụ thể: 0919 100 075 (Ms. Yến)
Email: hello@eracontent.marketing